Tại châu Á Thái Bình Dương, các bất động sản thay thế: trung tâm dữ liệu, trung tâm nghiên cứu, kho lạnh tăng gấp đôi thị phần mùa dịch.
Báo cáo thị trường đầu tư bất động sản châu Á Thái Bình Dương của Colliers International cho biết, đại dịch mang đến nhiều thách thức nhưng đồng thời cũng mở ra cánh cửa cơ hội cho nhiều loại hình bất động sản mới. Đơn vị này chỉ ra có 3 xu hướng bất động sản tăng trưởng nhanh trong đại dịch.
Các loại tài sản thay thế (alternative asset) tiếp tục vươn lên và hiện đã chiếm 8,5% trong tổng số tài sản bất động sản trong khu vực, nhiều gấp đôi thị phần của tài sản thay thế trong giai đoạn 2014 -2019. Điều này được quyết định phần nhiều bởi các phân khúc kinh tế công nghệ như trung tâm dữ liệu (data centres), trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D centres), chuỗi cung ứng lạnh (cold chain) và khoa học về đời sống (life sciences).
Colliers đánh giá, trong bối cảnh sự chú ý dành cho các loại tài sản thay thế đang gia tăng thị phần một cách mạnh mẽ, cơ hội cho nhà đầu tư muốn "lấn sân" sang phân khúc này cũng nhiều hơn giữa đại dịch, nhất là trong mảng trung tâm dữ liệu và chuỗi cung ứng lạnh.
Cả năm 2020 và nửa đầu năm 2021, thị trường bất động sản châu Á Thái Bình Dương chứng kiến khoảng một nửa các thương vụ đầu tư phân khúc văn phòng dịch chuyển ra khu vực ngoài trung tâm các thành phố lớn. Một phần nguyên do là bởi các tiện ích dịch vụ ngày một tốt hơn cũng như nhiều dự án cơ sở hạ tầng lớn tiếp tục được đầu tư tại các khu vực này.
Ngoài ra còn phải kể đến nhu cầu gia tăng từ người dùng cuối (end-users) đối với phân khúc khoa học về đời sống cũng như nhiều loại hình Business Park (có thể hiểu theo cách đơn giản nhất là sự kết hợp của không gian xanh park, với các khu vực kinh doanh, thương mại - business).
Xu hướng "ly tâm" (decentralization) của khách thuê văn phòng cũng đang được chú ý nhiều và dẫu cho đây chưa phải là xu hướng lớn, các đơn vị quản lý không gian làm việc linh động cũng có thể bắt đầu chú ý nhiều hơn đến thị trường "ly tâm" này.
Thị trường khu vực đã chứng kiến nhiều thương vụ mua lại bất động sản bán lẻ với mục đích chuyển đổi thành các khu phục vụ nghiên cứu và phát triển (R&D) hoặc văn phòng với khuôn viên rộng lớn, cũng như tái định vị các trung tâm mua sắm này thành các tài sản đa dụng. Thêm vào đó, những thay đổi mạnh mẽ về công nghệ cùng với nhu cầu gia tăng về kho hàng hóa phân khúc hạng A cũng tạo ra nhu cầu làm mới, tái phát triển và định vị rất lớn trong vòng vài năm tới.
Báo cáo của đơn vị này cho biết thêm số lượng giao dịch bất động sản thương mại khu vực APAC (châu Á Thái Bình Dương) đã lập đỉnh mới trong nửa đầu năm 2021, tăng đến 28% so với nửa đầu năm 2020, đạt giá trị 103 tỷ USD. Trung Quốc, Nhật Bản, Australia và Hàn Quốc được xem là các thị trường nổi bật ghi nhận lượng giao dịch tài sản giá trị cao thời gian qua.
Bất động sản công nghiệp và logistics (hậu cần) là những phân khúc có đà hồi phục nhanh nhất, tăng trưởng 70% so với năm trước. Tiếp đến là phân khúc bất động sản bán lẻ với số lượng giao dịch tăng 65%. Mảng khách sạn (28%) và văn phòng (20%) cũng có những dấu hiệu hồi phục trong nửa đầu năm 2021.
Tác giả: ÀCO Homes
Nguồn: Vnexpress
Chúng tôi trên mạng xã hội